Sunday, March 24, 2013

Kết đôi


Từ lâu thời trang và điện ảnh đã luôn là một cặp đôi hoàn hảo, giống như sự kết đôi của giày và túi xách trong tủ quần áo của một người phụ nữ. Những gì được nhìn thấy trên màn ảnh chẳng mấy chốc sẽ được bắt gặp trên đường phố. Điều này đã không còn xa lạ kể từ năm 1977 khi bộ phim  hài tình cảm Annie Hall của Woody Allen làm nữ giới điên đảo với phong cách ăn mặc tomboy của Diane Keaton hay  trong Love Story (1970), nhân vật Jenny của cô đào Mỹ Ali MacGraw với những bộ trang phục phong cách học đường (preppy style) đã trở thành nguồn cảm hứng cho thời trang cho đến tận ngày nay.

Margaret Thatcher, một người phụ nữ được biết đến bởi những lý do ngoài thời trang. Thế nhưng khi bộ film “The Iron lady” với diễn xuất của Meryl Streep trong vai chính được tung ra thì ngay lập tức thế giới thời trang nóng lên hừng hực vì phong cách Maggie. Harper Bazaar tung ra loạt hình người mẫu tuổi teen Georgia May Jagger trong tạo hình của Bà Đầm Thép còn Launer, công ty sản xuất túi xách cho cựu Thủ tướng Anh thì báo cáo doanh thu tăng 59% kể từ ngày ra mắt film. Các chuỗi bán lẻ thời trang như Peacocks (Anh) cũng nhanh nhạy chớp thời cơ  tung ra các mẫu áo kiểu có buộc nơ cổ hay áo khoác dạng hộp màu xanh cho các fan yêu thích style thời trang đóng dấu Maggie.

Đầu năm nay, một bóng hồng khác, nổi tiếng không kém Margaret Thatcher nhưng có phần sành điệu hơn đã thay đổi tủ quần áo của nhiều phụ nữ.  W.E., bộ film được đạo diễn bởi Madonna kể về cuộc đời của Quận chúa Wallis Simpson. Dù film vấp phải các luồng ý kiến trái chiều thì điều đó cũng không ngăn cản các fashionista đã phát sốt lên vì cách phục sức xa hoa đặc trưng thập niên 1930 của nhân vật Wallis. Nhiều hãng thời trang đã tung ra các thiết kế lấy cảm hứng từ người đàn bà đã khiến Vua Edward VIII của nước Anh thoái vị  để chạy theo tiếng gọi tình yêu.  Đó là đầm ôm phần thân trên, xòe bên dưới, jacket ôm sát và áo khoác màu xanh thẫm.

Mary McGowne, người sáng lập ra Scottish Style Awards bình luận: “Điện ảnh có sức ảnh hưởng mạnh mẽ và rộng rãi đến mức nếu một phim được dự báo sẽ là bom tấn thì chắc chắn sẽ có một số nhà thiết kế đưa ra  những phiên bản hay mẫu lấy cảm hứng từ phim. Rất nhiều lần chúng ta chứng kiến cả phim màn ảnh rộng lẫn phim truyền hình chi phối cách người ta phục sức trong cuộc sống hằng ngày, thông qua cầu nối là các nhà tạo mẫu, đơn vị bán lẻ và các nhãn hàng đã kịp thời nắm bắt xu hướng. Một ví dụ cụ thể là series truyền hình Mad Men đã ảnh hưởng rõ rệt đến các thiết kế của Prada. Tinh thần Mad Men vẫn hiện diện ở các BST Xuân Hè 2012 của  Prada, Marc Jacobs và Proenza Schouler."

Khi nói đến sự liên hệ mật thiết giữa điện ảnh và thời trang, không thể không nhắc đến Mad Men-bộ phim truyền hình dài tập khắc họa thế giới quảng cáo Mỹ mà cụ thể là ở Madison Avenue (New York) những năm 1960.  Hàng loạt các nhà thiết kế tên tuổi và các hãng thời trang ứng dụng đã đưa ra các thiết kế phỏng theo quần áo của các nhân vật trong phim. Banana Republic mới đây đã tung ra “Mad Men collection” còn Brooks Brothers thì trình làng mẫu áo vest “phiên bản Mad Men” do chính nhà thiết kế phục trang của phim là Janie Bryant làm, dựa trên nguyên bản mẫu là bộ vest mà Brooks Brothers đã bán từ những năm 60. Giám đốc Thời trang của Brooks Brothers, Glen Hoffs, cho hay: “Vài năm trước đây trang phục của nam giới ngày một trở nên đơn giản, cho đến khi Mad Men xuất hiện và làm dấy lên phong trào ăn mặc như những quý ông cách đây nửa thế kỷ. Phong cách cắt may đặc trưng Mỹ quay trở lại, áo vest quay lại và trở thành món đồ không thể thiếu trong tủ áo người đàn ông. Các bạn trẻ thì chào đón xu hướng này bằng những bộ đồ vest slim-fit, áo sơ mi và cà vạt bản nhỏ.”

Nói về thời trang trong phim, người ta tiên đoán rằng 2012 là năm của The Great Gatsby. Cuối năm nay mới được trình chiếu nhưng tác phẩm dựa trên tiểu thuyết cùng tên kinh điển của  F. Scott Fitzgerald đã khuấy động không ít các nhà tạo mẫu. Cả Etro, Gucci và Ralph Lauren đều đưa ra những trang phục lấy cảm hứng từ Gatsby trên sàn catwalk Xuân Hè 2012. Ralph Lauren, với tư cách là hãng thiết kế cho hai ngôi sao chính của phim Leonardo DiCaprio và Carey Mulligan đã đưa lên sàn diễn những mẫu đặc sệt Gatsby từ đầu đến chân.

Với màn ảnh nhỏ thì đó là cơn sốt mang tên “Downtown Abbey”. Hàng loạt tạp chí thời trang ra các bài tư vấn mặc đẹp theo phong cách của thời Thế chiến thứ Nhất. Bộ phim làm các quý cô khắp nơi mê mệt các kiểu đầm, chân váy, áo kiểu diêm dúa bằng ren, lụa yêu kiều.

Ai cũng nói thời trang là một vòng lặp lại. Năm ngoái người ta chợt phát điên lên váy đầm bó sát eo và áo ngực đầu nhọn vì Michelle Williams đóng vai Marilyn Monroe quá diễm lệ. Rồi ngay cả siêu phẩm Avatar của James Cameron cũng bước vào thời trang khi Jean Paul Gaultier đưa hình ảnh bộ phim vào BST couture của hãng.

Vậy thì phim ảnh có chi phối cách một người bình thường phục sức hay không? Câu trả lời luôn luôn là Có, và đã từ rất xa xưa. 1955 khi James Dean mặc một chiếc áo thun trắng trong Rebel without a Cause thì số lượng áo thun trắng bán ra tăng chóng mặt. Trường hợp tương tự xảy ra sau khi Uma Thurman mặc áo sơ mi trắng của đàn ông trong Pulp Fiction. Thậm chí ngay cả thỏi son Chanel Rouge Noir mà Uma thoa trong phim cũng đã cháy hàng suốt 12 tháng sau khi phim được trình chiếu năm 1994.  Katherine Hepburn là minh tinh đã lăng xê chiếc quần tây trong phim Bringing up Baby và doanh thu của quần tây đã tăng 4 lần trong khoảng từ 1944-45. Out of Africa ra đời năm 1985 và cảm hứng rừng thẳm Châu Phi ảnh hưởng mạnh mẽ đến mức Ralph Lauren đã tung ra những thiết kế hơi hướng safari và phong cách này chưa bao giờ hết nóng.

Mối liên hệ giữa thời trang trong phim và những gì được sản xuất đại trà có lịch sử từ năm 1932 khi một cửa hàng làm lại mẫu váy vai bồng mà Joan Crawford mặc trong Letty Lynton. Còn năm ngoái, chỉ vài ngày sau khi Hừng Đông trong series Chạng vạng khởi chiếu thì những chiếc váy cưới giống như váy của nàng Bella cũng được may bán khắp nơi. Và sao có thể không nhắc đến hiện tượng Sex and the City? Bất kỳ sản phẩm nào được nhắc đến trong series truyền hình kinh điển ấy cũng dễ dàng trở thành best-seller. Chính nhờ 4 cô nàng sành điệu của Manhattan đó mà Manolo Blahnik trở thành một cái tên của mọi nhà và người ta biết đến các xu hướng như đeo nơ hoa khổng lồ (chiếc đầm trắng với bông hoa một bên vai của Carrie) hay đeo dây chuyền in hình tên mình.

Rõ ràng Margaret Thatcher không phải là một biểu tượng thời tramg trong chính thời đại của bà, nhưng chính điện ảnh đã khiến cho nữ giới khắp nơi thèm khát được ăn mặc như Bà Đầm Thép, phải lòng mọi thứ nữ tính, cổ điển và sang trọng có tên Maggie.

Tối nay bạn xem phim gì? Ngày mai bạn mặc gì đi làm?



By Nicky Khánh Ngọc (Nàng Thơ)
Source: https://www.facebook.com/nang.tho.9  

No comments:

Post a Comment